Ngày 31/1, blog Thiên Hạ Luận trên VOA Tiếng Việt bình luận “Khi tu tập không theo… định hướng”.
Theo đó, mạng xã hội càng ngày càng nóng vì sự phát sinh nhiều thông tin, tình tiết ly kỳ, trong cuộc bộ hành của tăng đoàn sư Minh Tuệ.
Tác giả nhắc lại, sự quan tâm mà công chúng dành cho sư Thích Minh Tuệ trong quá trình tu tập ở Việt Nam, đã đem lại cho ông nhiều rắc rối, đến mức, nhà sư và những người cùng chí hướng đã phải chuyển hướng bộ hành ra nước ngoài, đến đất Phật.
Cuộc bộ hành đến đất Phật được quan tâm, ngoài sự yêu mến đối với sư Minh Tuệ, còn do những tình tiết khó lý giải, chẳng hạn, sư có thể thoát khỏi tình trạng giống như… “an trí”, dễ dàng rời Việt Nam, bởi người đứng ra tổ chức cuộc bộ hành là ông Đoàn Văn Báu, từng là Thượng tá Công an.
Tác giả nhận xét, ông Báu càng lúc càng độc đoán trong việc xem xét – phê duyệt người có thể đồng hành cùng sư Minh Tuệ. Các video trên kênh YouTube Channel “Đoàn Văn Báu – Về miền đất Phật” cho thấy, càng ngày, ông Báu càng thiếu sự điềm tĩnh cần thiết của một… “hộ pháp”.
Ông quy kết một nhà sư trong đoàn, muốn dùng điện thoại là để liên lạc xin cho sư Minh Tuệ tỵ nạn chính trị. Không ít lần ông đưa ra những nhận định bôi nhọ các sư trong đoàn, và tuyên bố sẽ đưa 3 nhà sư ra khỏi đoàn.
Tác giả cho biết, giọng điệu của ông Báu về sư Minh Tuệ cũng thay đổi. Ông cảnh báo về “âm mưu phá hoại hạnh tu” của nhà sư, bằng cách tách nhà sư ra khỏi Việt Nam, xin tị nạn chính trị, nhập quốc tịch nước khác. Ông nhấn mạnh “đó là âm mưu nguy hiểm nhất” mà ông phải “đối phó nhiều nhất”, và ông đã báo cáo với Công an Việt Nam.
Tác giả cũng cho biết, bị ép phải đi theo lộ trình mà “Hộ pháp” vạch ra, chứ không phải khất thực theo duyên, bị buộc chỉ được tiếp xúc với những người mà “Hộ pháp” lựa chọn, một số nhà sư trong đoàn bộ hành đã phản ứng.
Tác giả dẫn nhận định của một YouTuber mà “Hộ pháp tin cậy”, đại ý: Phản ứng đó là thách thức quyền lực anh Báu. Đã là sư thì không thể cãi vã, nói phải biết nghe. Anh Báu có nổi nóng thì cũng phải khiêm tốn, lựa lời mà nói. “Bật” lại anh Báu có phải nhằm để cho các cá nhân, nhóm khác chen vào không?
Tác giả dẫn lời than của ông Kim Van Chinh: “Làm sao một YouTuber bám theo tăng đoàn để kinh doanh YouTube, lại dám lên mặt dạy đời, nhận xét các sư một cách xấc xược như vậy?”
Tác giả cũng dẫn băn khoăn của ông Xuan Son Vo, đại ý: Anh Báu và giới chức Việt Nam cần hiểu, công chúng ngưỡng mộ Ngài Minh Tuệ là vì quyết tâm giải thoát, tức là từ bỏ mọi thứ để đạt được tự do. Thực hành khổ hạnh không phải là hành xác, mà là giải thoát bản thân khỏi mọi thứ, trong đó có các khoái lạc đời thường. Với những người như vậy, khát khao tự do đã vượt trên tất cả, kể cả tính mạng. Dù anh Báu và các thế lực muốn bôi nhọ hoặc cưỡng bức các sư thế nào, thì họ vẫn kiên định theo con đường họ đang đi, để đạt được sự tự do tuyệt đối. Kể cả cái chết cũng không làm họ bị lung lạc.
Ông Son dự đoán: Ở Việt Nam, ai đó có thể lấy tay che trời, nhưng ở Thái Lan sẽ khó khăn hơn nhiều. Sẽ có nhiều người giúp Ngài Minh Tuệ và các sư thực tâm muốn đi theo con đường của Ngài…
Tác giả tiếp tục dẫn nhận định của ông Pham Van Chinh, cho rằng: Dù ông Báu cũng xác nhận lập trường đi đến chết như Ngài Minh Tuệ, nhưng khác nhau ở lý tưởng. Ngài Minh Tuệ học tập theo Đức Phật, còn ông Báu mang vác một sứ mệnh, giá trị khác. Tuy nhiên, trong không khí tự do, ông Báu khó có thể vững vàng như ở trong nhà tù thể chế Việt Nam.
Tác giả kết luận, nếu đừng nuôi tham vọng định hướng mọi thứ, kể cả tu tập. Chuyện có phức tạp như vậy chăng?
Quang Minh – thoibao.de