Ất tỵ, năm bất thường, năm Tô Lâm “chốt hạ” các vị trí cho đàn em

Những ngày cuối năm Giáp Thìn, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thực hiện những bước tiến vững chắc, đưa được Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, và giành lấy chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ tay Trần Cẩm Tú, để giao cho Ủy viên Bộ Chính trị mới.

Việc giật được chức từ tay Trần Cẩm Tú có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, ông Tô Lâm đã thu hẹp đáng kể quyền lực của Trần Cẩm Tú – một nhân sự rất khó chịu do ông Nguyễn Phú Trọng để lại. Từ đó, ông Tô Lâm từng bước cô lập và tiến đến bứng luôn nhân vật này khỏi Ban Bí thư, thậm chí có thể loại khỏi vũ đài chính trị.
Đồng thời, với việc củng cố quyền lực cho Nguyễn Duy Ngọc, ông Tô Lâm cũng nâng tầm Thiếu tướng Công an Vũ Hồng Văn – người được cho là em họ của vợ đầu Tô Lâm. Vũ Hồng Văn tuy chưa phải là Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng với vị trí mới, khả năng cao ông này sẽ được bầu bổ sung vào Trung ương Đảng trong kỳ họp hội nghị Trung ương sắp tới, để kịp vào đầu năm 2026 sẽ vào Bộ Chính trị nhằm tiếp nhận những vị trí mới.

Đáng nói hơn, Vũ Hồng Văn cũng được chỉ định tham gia Đảng ủy Quân khu 7 để nắm thóp lực lượng vũ trang hùng hậu này. Nhiệm vụ của Vũ Hồng Văn trong Đảng ủy Quân khu 7 tương tự như nhiệm vụ của ông Văn trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nghĩa là làm nội gián, báo cáo về Tô Lâm những thái độ của thành phần không tuân phục tại đơn vị này, để Tô Lâm liệu việc.
Bao nhiêu đấy chỉ là bước đi ban đầu của Tô Lâm, chắc chắn ông chưa hài lòng với kết quả trên. Năm Đinh Tỵ, Tô Lâm đang còn rất nhiều việc phải làm để tiến tới kiểm soát hoàn toàn Đảng Cộng Sản Việt Nam trước Đại hội 14.
Ngoài ra, việc đưa Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư cũng là một bước tiến gần hơn, để ông này vào Bộ Chính trị. Dư luận dự đoán, tại Đại hội 14 vào đầu năm sau, Trần Lưu Quang sẽ vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, thiểu số thạo tin ẩn danh lại có cái nhìn khác. Họ cho rằng, tham vọng của Tô Lâm là đưa Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị ngay trước Đại hội, tức là ngay trong năm 2025 này. Nếu ở các kỳ hội nghị chính thức ông Tô Lâm không đưa được, thì vẽ ra các kỳ họp bất thường để thực hiện điều đó. Bởi nếu đợi đến Đại hội 14 mới đưa ông Quang vào bộ siêu quyền lực là quá chậm. Khi đó, e rằng, Trần Lưu Quang chỉ dồn lực cho chức Ủy viên Bộ Chính trị, và lỡ mất việc tranh giành chức Thủ tướng, bởi nếu chưa là Ủy viên Bộ Chính trị thì không thể là ứng viên cho ghế Thủ tướng được.

Có thể thấy, phần củng cố quyền lực của Tô Lâm xem như tạm ổn. Tuy nhiên, quyền lực lớn hơn không có nghĩa là phe Tô Lâm sẽ “làm gỏi” được các phe khác. Nó còn tùy thuộc vào sự lớn mạnh của những phe phái khác. Đáng ngại nhất là phe quân đội, nơi mà đang có sự vận động kết nối giữa Chủ tịch nước và các thế lực lớn nhỏ trong lực lượng này.
Nếu như lúc trước, ông Nguyễn Phú Trọng từng có ý đồ không để bất kỳ một trụ nào trong Tứ trụ có thể cạnh tranh được với Tổng bí thư, thì nay Tô Lâm cũng thực hiện tham vọng đó nhưng với cách mạnh tay hơn rất nhiều. Dưới thời ông Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng cạnh tranh với ông. Kết quả là ông Dũng đã bị bứng khỏi chức vụ và chính trường.
Giờ đây, Tô Lâm cũng đang có 2 mối lo như ông Trọng, nhưng tại cùng một thời điểm. Trụ Chủ tịch nước và Thủ tướng đang làm ông Tô Lâm không an tâm. Rất có khả năng, trong năm nay, Tô Lâm và 2 trụ còn lại sẽ xảy ra kịch chiến.
Về phía còn lại, liệu rằng họ đã tìm ra phương án hạn chế đà tiến của quân Tô Lâm chưa? Nếu bất lực thì họ rất dễ bị thịt!

Trần Chương-Thoibao.de